VĂN HÓA DOANH NGHIỆP 2018: CHỦ ĐỘNG VÀ TƯƠNG TRỢ

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, trong năm 2017 có gần 127.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng cùng với đó là hơn 60.000 doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động và chờ giải thể. Những con số nêu trên là những con số biết nói về bối cảnh kinh tế xã hội chung của cả nước, đầy cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản vốn đã quá chật hẹp với sự tham gia của rất nhiều Tập đoàn và Công ty lớn.

Trong bối cảnh ấy, văn hóa doanh nghiệp có vị trí rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, bởi bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa, ngôn ngữ, tư liệu, thông tin nói chung được gọi là tri thức thì doanh nghiệp nghiệp đó khó có thể đứng vững và tồn tại được. Trong khuynh hướng xã hội ngày nay thì các nguồn lực của một doanh nghiệp là con người mà văn hóa doanh nghiệp là cái liên kết và nhân lên nhiều lần các giá trị của từng nguồn lực riêng lẻ. Theo cách khác, văn hóa là cái còn thiếu khi ta có tất cả, là cái còn lại khi tất cả đã mất. Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp; tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp và được coi là truyền thống riêng của mỗi doanh nghiệp. Do vậy, có thể khẳng định văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp.